Với người dân Phú Quốc, nhắc đến xã đảo Thổ Chu, ai cũng nhớ ngay đó là quần đảo gồm tám đảo nằm ở điểm cực Tây Nam tổ quốc, đây cũng là nơi giáp ranh vùng biển của ba nước Việt Nam – Campuchia – Thái Lan. Nhưng thử hỏi khách du lịch, mấy ai được đặt chân tới. Và, phải chăng nằm ở vị trí biệt lập, ít du khách đến cùng với yếu tố thời tiết mà mảng xanh của rừng và biển Thổ Chu thật quyến rũ.
Hệ sinh thái còn nguyên nét hoang dã và vẻ đẹp mê hồn
Cũng giống như những ai lần đầu ra đảo Thổ Chu, hay còn gọi là Thổ Châu, điểm viếng thăm đầu tiên của chúng tôi là là khu vực cột mốc chủ quyền đảo Thổ Châu. Đó là hai cột mốc, một do Việt Nam Cộng Hòa xây dựng năm 1956 bằng chất liệu xi măng và đá rửa đã cũ kỹ rêu phong, khẳng định chủ quyền Thổ Châu, bên cạnh cột mốc to đẹp hơn do Nhà nước thành lập năm 1976 và phục chế vào năm 2003.
Nằm riêng biệt về phía chân núi là đền Thổ Châu, một công trình kiến trúc được khánh thành tháng 4 năm 2013 nhằm tưởng nhớ hơn 500 dân đảo bị lực lượng Khmer Đỏ xâm chiếm đảo lùa về Campuchia để thảm sát tháng 5 năm 1975 và những chiến sĩ hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ đảo.
Còn gì tuyệt vời hơn là chiều chiều đạp xe theo con đường ven biền từ trung tâm xã ra phía Đông ngắm nhìn hòn Xanh, hòn Từ ngoài khơi sóng vỗ trắng xóa và những đàn chim nhạn đang lượn vòng trên con thuyền nặng trĩu tôm cá như đón người thân từ biển khơi trở về. Để rồi từ đây lại quay về trên con đường xuyên đảo rợp bóng cây rừng, lắng nghe tiếng chim thay nhau hót líu lo, cả tiếng cu gáy bổ nhịp đều đều ở vòm cây cao; hít hà mùi hương lan rừng thoang thoảng trong gió.
Có rất nhiều bãi tắm, biển xanh, cát trắng bao bọc Thổ Chu nhưng đẹp hoang dã, tĩnh lặng như cái thuở hồng hoang thì phải kể đến bãi biển hòn Từ với hệ sinh thái rất đặc sắc, khó có nơi nào sánh bằng.
Hòn Từ nằm cách bãi Dong – Thổ Chu ước chừng ba cây số, nhưng đi thuyền câu trong mùa gió Tây Nam cấp 3, cấp 4 phải mất gần một giờ đồng hồ vì phải chạy vòng quanh đảo để núp sóng trước khi chúng tôi đổ bộ lên bãi biển.
Đó là một bãi cát trắng tinh, hình trăng khuyết nằm phơi mình giữa rặng dừa, những loại cây phong ba, bàng vuông và làn nước trong xanh tạo thành một vịnh nhỏ kín gió. Thật đáng tiếc khi chiều nay, biển vắng không một bóng người ngoài vài chiếc thuyền con nằm hờ hững trên bãi cát như nét chấm phá cho bức tranh thiên nhiên chốn này thêm phần lãng mạn. Từ bờ biển, chúng tôi vượt qua vài ghềnh đá, bắt gặp một cảnh quan kỳ thú khác: những tuyệt tác bằng đá qua hàng triệu năm sóng gió miệt mài khắc tạc, bào mòn thành vô số đá dĩa xếp lớp và bao bọc quanh nó. Về phía rừng là những khối đá nhẵn nhụi, hình thù kỳ quái, cảnh tượng dễ khiến người ta liên tưởng về khu vực núi đá vùng Nam Mỹ nào đó, rồi hang động, những ghềnh đá lô nhô nửa chìm nửa nổi trên biển… Chúng tôi thật sự phải thảng thốt, giật mình khi chứng kiến cảnh sáng tạo của mẹ thiên nhiên và hiện còn đang tiếp tục.
Lặn ngắm lòng biển và câu cá không mồi
Lặn biển bằng bình ô xy trên tàu.
Nếu bãi biển, quần thể đá hòn Từ khiến chúng tôi say mê thì lặn biển ngắm san hô, bắt ốc tại hòn Cao để lại trong tâm trí chúng tôi những ấn tượng sâu đậm. Có điều, ngày đầu tiên đi lặn biển, chúng tôi chỉ đeo kính, ngậm ống thở vì chủ yếu lặn nổi trên rạn san hô gần bờ có độ sâu 5 m, vị trí đủ ánh sáng để ghi ảnh. Thế nhưng, đêm về, nhớ lại cái thế giới đầy huyền ảo của không biết cơ man nào loại san hô cùng đàn cá đủ sắc màu ẩn mình dưới độ sâu 10 m đã thôi thúc chúng tôi quyết định sáng hôm sau, thuê thuyền quay lại bãi Rạng. Lần này, để có thể lặn chìm, chụp cận cảnh thảm thực vật dưới đáy biển, chúng tôi học cách ngậm ống thở phát ra từ máy bơm ô xy trên thuyền đồng thời đeo dây bảo hiểm, đề phòng dòng chảy cuốn ra xa. Sau vài ba phút lúng túng vì chưa thích nghi, chúng tôi bắt đầu xuống độ sâu trên 8 m. Thật thích thú khi tiếp cận với thảm cỏ biển, những đàn cá đang bơi len lỏi trong đám san hô sừng hươu (Montipora) hoặc kéo tụ tập quanh giống san hô tán/bàn (Acropora), thậm chí chúng tôi chỉ cần xòe bàn tay là có thể chạm được chúng.
Sau khi lặn biển chán chê, mọi người đi câu cá chạy, một kiểu buông câu trong khi thuyền đang chạy rất độc đáo, bởi câu không cần lưỡi lại không dùng cá con làm mồi như ta thường thấy câu cá chạy tại Phú Quốc. Mồi ở đây chủ yếu là miếng nylon bằng bàn tay, được xé nhỏ thành mớ bùi nhùi cột vào sợi dây cước dài khoảng 30-50 m. Mỗi lần buông câu, mớ bùi nhùi được thả phía đuôi thuyền cứ chạy loáng thoáng dưới mặt nước khiến những loại cá có hàm răng lởm chởm như cá xương xanh, cá kiếm vốn rất háu ăn tưởng là con mồi đang chuyển động nên truy đuổi theo. Và khi đã đớp trúng thì hàm răng sẽ vướng chặt vào mớ nylon, khó mà thoát được.
Câu cá chạy rất hào hứng, lại dễ dàng nên chỉ trong nửa giờ đồng hồ chúng tôi đã câu được một mớ xương xanh, cùng với hơn 1 kg ốc cổ hiếu bắt dưới rạn san hô sáng nay, đủ để mọi người nướng ăn chấm mắm me ngay trên thuyền. Quá đã!
Thổ Chu Phú Quốc - Có thể bạn không biết và chưa biết
0 nhận xét:
Đăng nhận xét