Tọa lạc trên đường Trần Hưng Đạo, thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, Kiên Giang, Bảo tàng Cội nguồn Phú Quốc được biết đến như một phiên bản của hòn đảo ngọc này.
Đây là bảo tàng tư nhân đầu tiên nơi vùng đồng bằng sông Cửu Long và bảo tàng thứ chín trên cả nước mà chủ nhân của nó sau hơn 15 năm dày công sưu tập, đầu tư mới có được.
Bảo tàng Cội nguồn với diện tích 60.000m², là một quần thể
đậm tính nhân văn gồm khu bảo tàng giới thiệu điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa của Phú Quốc; khu trưng bày và bán ngọc trai, đồ thủ công mỹ nghệ, quà lưu niệm và các sản vật của Phú Quốc; khu vườn sinh vật cảnh và bảo tồn chó xoáy, đại bàng, các loài chim biển.
Tòa nhà Bảo tàng Cội nguồn cao năm tầng, ấn tượng với hơn 4.000 hiện vật phong phú, đa dạng tái hiện lịch sử hình thành, phát triển đảo Phú Quốc xưa và nay. Trong đó, hơn 1.000 cổ vật đã được các nhà khoa học lịch sử xác định niên đại và giá trị văn hóa cao.
Tầng một trưng bày, giới thiệu về điều kiện tự nhiên đảo Phú Quốc; tầng hai giới thiệu khái quát lịch sử hình thành khai phá và đấu tranh bảo vệ, xây dựng đảo; tầng ba trưng bày, giới thiệu những sưu tập cổ vật, hiện vật sưu tầm tại đảo; tầng bốn trưng bày mô hình tàu đắm, giới thiệu cổ vật được vớt lên từ tàu đắm ở phía đông đảo; tầng năm giới thiệu cuộc sống sinh hoạt đời thường của cư dân đảo Phú Quốc.
Cuối cùng là sân thượng bảo tàng để mọi người ngắm nhìn toàn cảnh thị trấn Dương Đông và màu xanh ngút mắt của biển, rừng Phú Quốc.
Anh Huỳnh Phước Huệ, chủ nhân Bảo tàng Cội nguồn Phú Quốc chia sẻ, “Là người con của biển-đảo quê hương, trong cuộc đời mình tôi muốn làm một điều gì đó có ích cho Phú Quốc. Bảo tàng Cội nguồn là một phần công sức của tôi, là thông điệp của Phú Quốc gửi tới bè bạn trong nước và quốc tế giới thiệu lịch sử phát triển đảo du lịch Phú Quốc. Nơi mà tạo hóa ban đã tặng cho một phong cảnh thiên nhiên sơn thủy hữu tình, với những sản vật nổi tiếng và con người thật bình dị, giàu lòng mến khách.”
Thật không quá lời khi nói Bảo tàng Cội nguồn Phú Quốc là một phiên bản, một Phú Quốc thu nhỏ trong lòng Phú Quốc. Ở đây có những mẫu hóa thạch của gỗ có niên đại hàng triệu năm, từ khi hình thành đảo cho đến bộ sưu tầm hàng trăm loài ốc, đồi mồi và san hô biển, những mẫu đất đá, các tiêu bản thực vật, động vật trên khắp đảo giúp mọi người như tận mắt thấy được sự phong phú và đa dạng của hệ sinh thái Phú Quốc.
Cụ thể, các loài thực vật cổ đại 250-300 triệu năm tuổi là những bằng chứng về thời gian, chứng minh sự tồn tại lâu dài của hòn đảo ngọc.
Chẳng hạn như những lõi gỗ quý hiếm, gốc cây mai núi, tre gốc, đá cuội, cát vàng, cát trắng và nhiều công trình nghệ thuật bằng gỗ; những bộ xương cá Ong, các loại ngọc trai, sò, ốc, san hô, xương bò biển, heo rừng, cá sấu; các bộ phận của thuyền bị hỏng của vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực sử dụng trong chiến đấu chống lại thực dân Pháp.
Rìu đá được tìm thấy ở Cửa Cạn, cột bằng gỗ quý hóa thạch, xương hóa thạch của Dugong; bộ sưu tập đồ gốm cổ ở Việt Nam, Thái Lan và Trung Quốc từ thế kỷ thứ XI, ngoài giá trị lịch sử văn hóa, khoa học và nghệ thuật còn phản ánh sinh động cuộc sống của người
dân Phú Quốc trong quá khứ. Đặc biệt, nhóm cổ vật trục vớt từ con tàu cổ dưới biển Phú Quốc đã xác định có niên đại khoảng 3.500 năm.
Bảo tàng giới thiệu và tri ân những nhân vật lịch sử, người sáng lập và bảo vệ đất nước dọc theo biên giới phía Nam Tổ quốc như Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích, Nguyễn Trung Trực.
Để hình thành và phát triển Bảo tàng Cội nguồn Phú Quốc, anh Huệ cho biết, đã đầu tư hơn 6 tỷ đồng xây dựng cơ ngơi, dày công sưu tầm hiện vật, cổ vật trên đảo Phú Quốc.
Phiên bản lịch sử đảo Phú Quốc thu nhỏ tại bảo tàng Cội Nguồn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét