Phú Quốc có nghề sản xuất nước mắm truyền thống đến nay đã được 200 năm, hiện Phú Quốc có khoảng trên 100 cơ sở sản xuất nước mắm, người dân ở đây gọi là nhà thùng. Nhiều cơ sở được đưa vào địa điểm tham quan du lịch làng nghề để truyền bá, bán sản phẩm cho du khách. Mới đây, nhíp ảnh gia Tâm Bùi đã cho ra mắt bộ ảnh về nét đẹp hồn hậu của người và cảnh trong bộ hình “Tỉ mẩn giọt nước mắm Việt từ đảo ngọc Phú Quốc”. Qua bộ ảnh đọc giả có thể cảm nhận một cách chân thật nhất về quá trình cho ra những giọt nước mắm đậm đà bản sắc quê hương Việt Nam.
“Lên thuyền đánh cá từ nửa đêm để quan sát từ đầu đến cuối cảnh đánh bắt cá xa khơi của ngư dân Đảo Ngọc. Choáng ngợp với vẻ đẹp mênh mông, kì diệu của biển cả khi hửng nắng bình minh. Cảnh đẹp như tranh…”
“Kéo mẻ cá nặng trĩu lên thuyền, các anh các chú mặt ai cũng tươi phơi phới, bao công sức bỏ ra giờ đã thu được thành quả. Mùi mặn nồng của biển, mùi cá tươi trong lưới hòa cùng tiếng nói cười rộn ràng.”
“Mẻ cá đầu ngày tươi rói, lấp lánh ánh bạc, còn búng tanh tách trên mạn thuyền. Theo các chú ngư dân, không phải cá nào cũng dùng làm nước mắm được, mà phải là cá cơm, đặc biệt là cá cơm Sọc Tiêu, hoặc Cơm Đỏ, Cơm Than thì nước mắm mới chất lượng.
Sau khi được chọn lọc, cá cơm được ướp muối ngay trên thuyền theo tỉ lệ 3 cá 1 muối bằng loại muối tinh. Đây là điểm khác biệt giữa nước mắm Phú quốc với các vùng khác nè. Ướp ngay trên thuyền sẽ giữ cá được tươi nên khi làm nước mắm sẽ có mùi thơm quyến rũ chứ không bị quá nồng.”
“Cá đã ướp muối khi về đến cảng tàu sẽ được các chuyên gia làm nước mắm kiểm định kỹ, về cả độ tươi và độ lẫn tạp chất. Sau khi qua được “vòng loại” này, cá mới được đem thẳng đến nhà thùng nước mắm để ủ chượp.”
“Cá sau khi đổ vào thùng gỗ sẽ được đậy kín và ủ chượp suốt 9 -12 tháng cho tới khi đủ độ “chín”. Trong suốt khoảng thời gian này, các chuyên gia làm nước mắm sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát để đảm bảo hương vị nước mắm cá cơm đạt chuẩn.”
“Trong hình là anh Nhích – chuyên gia làm nước mắm kỳ cựu của Nam Ngư, chính là người đã truyền cảm hứng cho Tâm thực hiện bộ ảnh này. Anh đang thực hiện công việc hàng ngày, kiểm tra hương vị nước mắm trong mỗi thùng và tỉ mỉ ghi chép lại để theo dõi.”
“Nét đẹp mộc mạc bên trong nhà thùng. Không gian nồng đượm mùi hương nước mắm vừa chín tới, mặn mòi vị biển cả…”.
Thùng ủ chượp nước mắm thường được làm từ gỗ bời lời, loại gỗ đặc trưng của rừng nguyên sinh Phú Quốc, góp phần tạo nên mùi nước mắm thơm nồng nàn và màu cánh gián sóng sánh đặc trưng. Những chiếc thùng này là tài sản quý giá và có thể sử dụng được tới cả trăm năm.
Nước mắm khi đến độ “chín” sẽ có màu cánh gián trong suốt, vị đậm đà mà ngọt hậu, mùi hương thơm lừng mà không nồng gắt.
Qua bộ ảnh, nhíp ảnh gia Tâm Bùi đã lột tả một cách chân thật nhất về quá trình “tỉ mẫn” để tạo nên giọt nước mắm thơm nồng vị biển. Bên cạnh hương vị nồng nàng của nước mắm, nếu bạn có dịp du lịch đến Phú Quốc thì bạn sẽ không khỏi trầm trồ khen ngợi bởi cảnh đẹp hoang sơ của các bãi tắm được bình chọn là đẹp nhất Việt Nam như: bãi Sao, bãi Khem, bãi Bầu…; hay bởi những đặc sản làm say lòng du khách như gỏi cá trích, ghẹ Hàm Ninh, còi biên mai, rượu sim,… và bạn sẽ bị chinh phục sự hồn hậu, chất phát, nhiệt tình của người dân xứ đảo.
Ảnh và tư liệu: nhíp ảnh gia Tâm Bùi
Nước mắm Phú Quốc – Quà của biển – Tinh hoa của người dân xứ đảo
0 nhận xét:
Đăng nhận xét